Friday, August 4, 2023

Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn chia sẻ về kế hoạch tương lai của bóng đá Việt Nam - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn chia sẻ về kế hoạch tương lai của bóng đá Việt Nam - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

16h15: Xin cảm ơn ông Trần Quốc Tuấn đã có buổi đối thoại, chia sẻ chân tình cùng Tuổi Trẻ Online. Xin chúc ông, VFF và bóng đá Việt Nam tiếp tục đạt được nhiều mục tiêu lớn trong tương lai!

16h10: Đó có phải là lý do mà VFF cử đội U23 Việt Nam nhưng thực chất là U20 dự Asiad 19 sắp tới tại Trung Quốc?

Ông Trần Quốc Tuấn: Sắp tới, trong chưa đầy 2 tháng, các cầu thủ U23 phải dự 3 sự kiện. VFF cùng các bộ phận chuyên môn đã nghiên cứu làm sao để không phải dừng V-League. Có thời điểm chúng ta phải dừng do các giải quốc tế bị dồn vì ảnh hưởng COVID-19. Các giải đó bị lùi một năm làm lịch thi đấu chồng chéo.  

Bình thường, chúng ta cũng cần tính toán làm sao để trong 1 tháng dự 3 giải đấu thì chọn giải nào làm trọng tâm. Ví dụ lấy giải U23 châu Á làm trọng tâm thì phải dùng lứa quan trọng. U23 Đông Nam Á và Asiad thì nghiên cứu cử đội trẻ hơn.  

Hai năm nữa có SEA Games nên các giải đó cũng là cơ hội cho cầu thủ trẻ cọ sát. Đó là bài học kinh nghiệm mà chúng ta rút ra từ một số nước phát triển về bóng đá. Người ta tính toán giải nào đưa đội mạnh nhất thi đấu và giải nào để cầu thủ trẻ học hỏi. Chẳng hạn như Nhật Bản dùng Asiad 2018 chuẩn bị cho Olympic 2020 nên Asiad năm đó họ chỉ cử đội U21. Đó là bài học giúp ta có những tính toán kĩ thuật, chuyên môn phù hợp để làm sao một lúc hiện thực nhiều mục tiêu. 

16h01: Đội tuyển futsal nam, đội tuyển nữ đã giành quyền góp mặt ở VCK World Cup. Người hâm mộ kỳ vọng sẽ đến ngày đội tuyển quốc gia nam thực hiện được mục tiêu này. Trong vai trò Chủ tịch VFF, ông có thể chia sẻ về chiến lược và hành động của VFF để thực hiện mục tiêu này từ nay đến 2030 ?

Ông Trần Quốc Tuấn: Có thể nói việc FIFA tăng từ 32 lên 48 suất tham dự World Cup là điều rất khích lệ. Các quốc gia khác cũng đang tích cực chạy đua. Chúng ta có rất nhiều đối thủ tiềm năng với thực lực đáng gờm.

Từ năm 2015 đến nay, các đội tuyển trẻ của chúng ta liên tục có mặt ở VCK châu Á. Chỉ có như vậy mới có thể sớm tiến bộ vì các cầu thủ trẻ được tích lũy kinh nghiệm thi đấu ở đẳng cấp ngày càng cao hơn.

Có những lứa có thể chưa hoàn thiện nhưng tính liên tục phải có, phải giữ được. Kinh nghiệm thi đấu quốc tế rất quan trọng. Các đội trẻ cũng nên được đầu tư để có được sự kế thừa.

Ở Đông Nam Á, theo tôi nhớ không nhầm thì chỉ Việt Nam có đầy đủ các đội trẻ góp mặt tham dự VCK châu Á. Chúng ta đã có chuỗi từ U17 lên đến U23. VFF cũng đã thử nghiệm giải đấu cúp cho U16, U17, U19. Năm nào những lứa trẻ này cũng được tập huấn, thi đấu nước ngoài. Như U20 Việt Nam vừa được mời sang Qatar đấu giao hữu.

Thành tích ở đội trẻ có thể không ổn định, sẽ gây thất vọng cho chúng ta nhưng phải duy trì để tạo sự phát triển liên tục. Như lứa U19 Việt Nam năm 2016 giành vé dự World Cup U20 về sau này là nòng cốt dưới trướng HLV Park Hang Seo làm nên những kỳ tích.

Chúng ta có thể thất bại khi đầu tư cho bóng đá trẻ, nhưng không được dừng lại. Nếu không, bóng đá Việt Nam sẽ mất tính kế thừa và khó đạt được thành công khi lên cấp độ đội tuyển.

Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn chia sẻ chân tình cùng Tuổi Trẻ Online - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn chia sẻ chân tình cùng Tuổi Trẻ Online - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

15h55: Phát triển bóng đá nữ tại Việt Nam không phải câu chuyện dễ khi phong trào chưa rộng, cả nước chỉ có 5 địa phương với 7 CLB dự giải vô địch quốc gia. Các địa phương, doanh nghiệp chưa mặn mà đầu tư cho bóng đá nữ, các bé gái chưa có điều kiện chơi bóng nhiều. VFF nỗ lực tổ chức thêm nhiều giải đấu cho cầu thủ tham dự nhưng 'chân đế' quá mỏng thì chắc chắn rất khó, thưa ông?

Ông Trần Quốc Tuấn: Vấn đề phát triển hệ thống giải đấu quốc gia cho bóng đá nữ là điều khó khăn ở nhiều quốc gia. Như Philippines, đội tuyển quốc gia của họ mạnh nhưng giải vô địch quốc gia có năm còn không được tổ chức.

VFF đã tìm tòi, học hỏi khắp nơi. Chúng tôi nhận thấy Nhật Bản, Hàn Quốc và Úc có hệ thống giải đấu tốt, phù hợp với Việt Nam. Hiện chúng tôi cũng đã bắt tay nghiên cứu hệ thống thi đấu làm sao để có cả môi trường cho bóng đá trẻ nữ.

Từ năm 2015, VFF mạnh dạn đầu tư cho giải U15, U19 nữ để có thể xây dựng lực lượng cho các đội tuyển U15, U19. Qua những sự kiện vừa rồi, chúng tôi mong muốn các mạnh thường quân, nhà tài trợ sẽ cùng chúng tôi xây dựng hệ thống thi đấu tốt, ổn định cho bóng đá nữ. Từ đó, chúng ta xây dựng từng bước để hướng tới World Cup 2027.

Bóng đá nữ học đường là chủ trương được khuyến khích từ FIFA. Ở nhiều nước, bóng đá nữ phát triển theo dạng bóng đá cộng đồng. Các bé chủ yếu được rèn luyện thể chất bên cạnh việc học. Thông qua môi trường ấy, các tuyển trạch viên có cái nhìn tổng quát hơn về nguồn lực cầu thủ trẻ.

Hiện VFF đã có chuyên gia Nhật Bản Akira Ijiri thường xuyên đi tuyển cầu thủ trẻ ở khắp các nơi, thậm chí vùng sâu, vùng xa không ai nghĩ đến. VFF vẫn đang đào tạo nhiều cháu ở các địa phương không có đội bóng nữ. 

15h47: VFF có gặp khó khăn để kêu gọi nguồn lực xã hội xây dựng đội trẻ, kêu gọi tài trợ cho bóng đá nữ?

Ông Trần Quốc Tuấn: Thật sự, chúng tôi cũng có những khó khăn. Bóng đá nữ, không chỉ ở Việt Nam mà nhiều nước khác cũng vậy, thu hút tài trợ còn hạn chế. Nhưng không phải vì vậy mà chúng ta không làm. VFF chủ trương cân đối để làm sao duy trì hệ thống thi đấu ổn định và thậm chí phát triển hơn. Chúng ta cần có đơn vị đồng hành thường xuyên. Việc kêu gọi tài trợ cho bóng đá nữ còn nhiều khó khăn, các nhà tài trợ thường chỉ muốn gắn bó từng năm. Để có sự bền vững thì VFF đã thuyết phục một số đối tác đồng hành đầu tư cho bóng đá nữ. Sự ổn định thể thức thi đấu cho thấy sự đồng hành đang ngày càng bền vững.

Có thể điều đó vẫn chưa được như mong muốn, nhưng phần nào cho thấy VFF nhận được sự đầu tư, đồng hành từ cộng đồng.

Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn cho biết bóng đá nữ vẫn khó thu hút tài trợ - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn cho biết bóng đá nữ vẫn khó thu hút tài trợ - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

15h40: Dù nỗ lực nhưng không thể phủ nhận trình độ bóng đá nữ Việt Nam và Đông Nam Á vẫn còn khoảng cách xa với thế giới. Theo ông, giải pháp nào để bóng đá nữ Việt Nam thu hẹp khoảng cách đó?

Ông Trần Quốc Tuấn: Sau World Cup, chúng ta phải nhìn nhận bóng đá nữ thế giới có sự chuyển động. Các đội châu Phi thể hiện trình độ đang kinh ngạc, đặc biệt là Nigeria, Morocco. Nam Mỹ có Colombia là một trong những đội tôi ấn tượng về cách chơi. Sự thất bại của Đức và các đội lớn khác mang lại sự thay đổi thú vị. Nó cũng đặt ra cho bóng đá Việt Nam yêu cầu về sự đầu tư có chiều sâu hơn nữa.

Để hướng đến lần tiếp theo được dự World Cup thì chúng ta cần có cách đầu tư sao cho hiệu quả. Đây là bài toán mà VFF cùng HLV Mai Đức Chung phải ngồi lại phân tích. Mặt khác, chúng ta phải mở rộng quan hệ hợp tác châu Âu để các cầu thủ có cơ hội tập huấn. Bên cạnh Nhật thì cần thêm sự hỗ trợ từ châu Âu. VFF cũng cần tính toán để cầu thủ được tiếp cận trình độ thế giới. Vấn đề tiếp theo là huy động cầu thủ Việt kiều. Từ Đại hội VFF lần thứ 8 cũng đã đặt ra vấn đề này, không chỉ với bóng đá nữ mà còn bóng đá nam, futsal. Thường trực và ban chấp hành VFF thông qua điều lệ các CLB, thậm chí ngoài chuyên nghiệp, nếu có Việt kiều thì được tạo điều kiện. 

15h32: HLV Mai Đức Chung cho biết năm 2016, ông chính là người đã gặp và mời ông Chung về dẫn dắt đội tuyển nữ với mục tiêu giành vé đến World Cup. Cơ sở nào từ cách đây 7 năm ông đã tin rằng bóng đá nữ có cơ hội đến World Cup trước nam để có sự đầu tư, chuẩn bị kỹ càng đến vậy ?

Ông Trần Quốc Tuấn: Khi nghe thông tin FIFA nâng suất tham dự World Cup nữ, VFF đã có kế hoạch làm sao để đội tuyển nữ giành vé đến sân chơi lớn nhất thế giới. Năm 2015, chúng ta thất bại trước Thái Lan trên sân Thống Nhất nên VFF càng quyết tâm, cải tổ sâu rộng và có kế hoạch dài hơi.

Lúc đó, HLV Mai Đức Chung đang làm việc tại V-League. Tôi và ông Chung có mối quan hệ gắn bó bởi bố tôi từng làm việc với ông. Về chuyên môn, HLV Mai Đức Chung từng dẫn dắt bóng đá nữ nên rất phù hợp. Sau khi phân tích, trao đổi và cam kết hỗ trợ, HLV Mai Đức Chung đã nhận lời.

Trong quá trình đấy thì vị trí HLV chỉ là một trong nhiều yếu tố. Điều quan trọng nữa là chúng ta phải tạo ra thế hệ cầu thủ trẻ. Từ năm 2015, VFF mở rộng quan hệ quốc tế để có những chuyến tập huấn nước ngoài cho các đội trẻ. Điều này giúp các cầu thủ trẻ có cơ hội cọ xát từ sớm với quốc tế. Thu hoạch là các lứa U17, U20 nữ Việt Nam đã giành vé đến VCK châu Á và sau đó có những em như Thanh Nhã, Vạn Sự được lên đội tuyển quốc gia. Đội hình bây giờ là sự pha trộn giữa sức trẻ và những cầu thủ dày dạn kinh nghiệm.

Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn chia sẻ về kế hoạch giúp tuyển nữ Việt Nam dự World Cup từ 7 năm trước - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn chia sẻ về kế hoạch giúp tuyển nữ Việt Nam dự World Cup từ 7 năm trước - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

15h25: Ông có bất ngờ khi tuyển nữ Việt Nam chỉ thua Mỹ 0-3?

Ông Trần Quốc Tuấn: Tôi rất bất ngờ trước tỉ số này. Tôi đã nghĩ tỉ số sẽ cách biệt hơn một chút. Nhưng tôi có nói với đội Việt Nam hãy cố gắng thể hiện những gì tốt nhất, thực hiện tối đa ý đồ chiến thuật. Đó là điều quan trọng. Nếu phải nhận thua thì cứ coi như chưa có gì, làm động lực thi đấu tốt hơn. Thực tế đã chứng minh như vậy. Chúng ta thua sớm, bị phạt đền rồi thua thêm bàn thứ 2 ở phút bù giờ. Đó là lỗi kèm người. Hiệp hai thua thêm 1 bàn. Đó là kết quả khá tốt.

15h20: Khi lá thăm may rủi đưa tuyển nữ Việt Nam vào bảng tử thần, người hâm mộ đã rất lo lắng. Bản thân ông cảm thấy như thế nào?

Ông Trần Quốc Tuấn: Cá nhân tôi khi nhận kết quả bốc thăm mà Việt Nam chung bảng với đội đương kim vô địch và á quân thế giới thì nghĩ ngay phải có sự chuẩn bị kỹ để hạn chế khoảng cách trình độ bởi tuyển Việt Nam xếp hạng khá thấp trên thế giới.

VFF đã lên kế hoạch kỹ càng, lựa chọn đối thủ thi đấu giao hữu. Đội tuyển nữ Việt Nam được thi đấu với 3 đội tuyển mạnh là Pháp, Tây Ban Nha và Đức. Qua những trận đấu đó, chúng ta học hỏi nhiều về chiến thuật, cách chơi bóng hiện đại. Từ đó, các cô gái Việt Nam mang những gì học được vào thi đấu trong giải.

Nếu nhìn tích cực thì việc gặp đội vô địch và á quân thế giới cũng là điều tốt, bởi chúng ta được thế giới quan tâm nhiều hơn. Chủ tịch FIFA có hỏi tôi rằng tuyển nữ Việt Nam đã chuẩn bị như thế nào? Có gây được bất ngờ không? Tôi trả lời rằng chúng tôi đã chuẩn bị tốt và dù có thua cũng không thua đậm như các đội tuyển Đông Nam Á trước đây.

Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn (trái) chia sẻ cảm xúc khi tuyển nữ Việt Nam được tham dự World Cup nữ 2023 - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn (trái) chia sẻ cảm xúc khi tuyển nữ Việt Nam được tham dự World Cup nữ 2023 - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

15h10: Thưa ông, ông có thể đánh giá về hành trình tham dự VCK World Cup nữ 2023 của đội tuyển nữ Việt Nam, những điều học hỏi, thu lượm được từ giải đấu ?

Ông Trần Quốc Tuấn: Trước tiên, có thể nói việc tuyển nữ Việt Nam được tham dự World Cup 2023 là sự kiện lịch sử của bóng đá Việt Nam. Đây là niềm tự hào lớn của bóng đá Việt Nam sau thành tích của đội tuyển futsal và U20 bóng đá nam. Khi quốc ca, quốc kỳ Việt Nam xuất hiện tại World Cup thì đó không chỉ là vinh dự của các cầu thủ mà còn là của những người làm bóng đá, người hâm mộ Việt Nam.

Việc họ xuất hiện ở World Cup cũng giúp giới thiệu hình ảnh Việt Nam đến bạn bè thế giới. Bằng sự nỗ lực, kiên trì, chúng ta khắc phục tối đa những hạn chế trong lần đầu dự World Cup. Điều đó đã được bạn bè quốc tế ghi nhận.

Lọt vào bảng 'tử thần' với Mỹ, Hà Lan, Bồ Đào Nha nhưng với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, tinh thần quyết tâm cao, các cầu thủ đã được truyền thông quốc tế và bạn bè tôn trọng. Đây là điều đáng mừng.

Sau VCK Asian Cup ở Ấn Độ, giành vé dự World Cup là điều rất mừng. Nhưng để chuẩn bị World Cup có rất nhiều thách thức. Chúng ta đã rút bài học kinh nghiệm từ các đại diện Đông Nam Á khác lần đầu dự World Cup thường thua đậm để có sự chuẩn bị tốt hơn. Chúng ta kết hợp nhiều sự kiện quốc tế như vòng loại Olympic, các giải châu Á thành chuỗi 'làm nóng'.

Ngoài ra, chúng ta tập huấn nhiều lần, tại Nhật và châu Âu để tiếp cận trình độ cao của thế giới. Trong đó đặc biệt nhất là trận với Pháp. Lần đầu tiên một đội Pháp mời một đội Việt Nam giao hữu. Cùng với đó là các trận gặp Đức, U23 Ba Lan.

Bộ phận chuyên môn của VFF, các HLV đã chuẩn bị chi tiết. Kế hoạch được triển khai hoàn hảo, tác động tích cực cầu thủ, chuẩn bị cho họ tâm thế, kinh nghiệm quốc tế, thích nghi lối chơi nhanh khi gặp các đột mạnh như Pháp, Đức... . Điều đó giúp cầu thủ kiên định, thể hiện được bản lĩnh, tinh thần đáng trân trọng. Chúng ta đã thua nhưng không vỡ trận. Cần ghi nhận sự nỗ lực của cầu thủ nữ. 

15h: Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn bắt đầu buổi đối thoại cùng Tuổi Trẻ Online.

Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn bắt đầu buổi đối thoại cùng Tuổi Trẻ Online - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn bắt đầu buổi đối thoại cùng Tuổi Trẻ Online - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Đội tuyển nữ Việt Nam vừa kết thúc hành trình tham dự World Cup lần đầu tiên trong lịch sử tại New Zealand.

Trước khi đội nữ giành vé đến World Cup, đội tuyển futsal nam Việt Nam đã hai lần có mặt tại Vòng chung kết FIFA Futsal World Cup vào các năm 2017, 2021.

Mục tiêu của bóng đá Việt Nam là sẽ đưa đội tuyển bóng đá nam quốc gia có mặt tại vòng chung kết FIFA World Cup vào năm 2026, muộn nhất là năm 2030, khi số lượng đội tham dự đã được FIFA tăng từ 32 lên 48. 

Để giúp bạn đọc có cái nhìn rõ hơn về chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam hướng đến mục tiêu World Cup, Tuổi Trẻ Online thực hiện cuộc đối thoại với ông Trần Quốc Tuấn - chủ tịch VFF vào lúc 15h chiều nay 4-8.

Ông Trần Quốc Tuấn là người có vai trò rất quan trọng trong việc hoạch định chiến lược, thực hiện mục tiêu đưa bóng đá Việt Nam vươn tầm thế giới suốt nhiều năm qua.

Cuộc đối thoại được cập nhật liên tục trên Tuổi Trẻ Online và các nền tảng của báo Tuổi Trẻ. Kính mời quý bạn đọc theo dõi cuộc đối thoại tại đây.

Ông Trần Quốc Tuấn trả lời truyền thông về mục tiêu của bóng đá Việt Nam trong nhiệm kỳ 9 sau khi trúng cử chủ tịch VFF - Ảnh: VFF

Ông Trần Quốc Tuấn trả lời truyền thông về mục tiêu của bóng đá Việt Nam trong nhiệm kỳ 9 sau khi trúng cử chủ tịch VFF - Ảnh: VFF

Ông Trần Quốc Tuấn là người Việt Nam giữ vị trí cao nhất tại AFC

Ngoài vai trò là chủ tịch VFF, ông Trần Quốc Tuấn là người Việt Nam nắm giữ vị trí cao nhất của Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC).

Ông Trần Quốc Tuấn trúng cử là ủy viên Ban thường vụ AFC từ năm 2011. Mới đây tại Đại hội AFC, ông Tuấn cũng là đại diện chính thức của khu vực Đông Nam Á vinh dự được tham gia Ban thường vụ AFC nhiệm kỳ 2023-2027.

Hiện ông Trần Quốc Tuấn là trưởng ban thi đấu Liên đoàn Bóng đá Đông Nam Á (AFF) nhiệm kỳ 2022-2026. Đây cũng là nhiệm kỳ thứ hai ông Tuấn được bổ nhiệm là trưởng ban thi đấu AFC nhiệm kỳ 2023-2027. Ban thi đấu là bộ phận "xương sống" trong tổ chức hoạt động, phát triển các giải đấu của bóng đá Đông Nam Á và châu Á.

Việc ông Trần Quốc Tuấn được bổ nhiệm vào các vị trí quan trọng của AFF, AFC không chỉ thể hiện uy tín và năng lực của cá nhân ông Trần Quốc Tuấn. Đây còn là sự ghi nhận đối với uy tín, khả năng đóng góp của bóng đá Việt Nam đối với bóng đá khu vực và châu lục.

Chủ tịch VFF: 'FIFA tăng suất dự World Cup, bóng đá nam Việt Nam phải chạy đua’

  • Uploaded by: Minh Hằng
  • Views:
  • Share

    0 nhận xét:

    Post a Comment

     
    Copyright © VIDEO BÓNG ĐÁ | Designed by tctshop.com | Blogger Templates