Trong buổi chia sẻ "Té an toàn" gần đây, anh Võ Hoàng Phúc, người sáng lập của Saigon Morning Ride, bắt đầu buổi học bằng trải nghiệm hài hước và đau thương từ tai nạn của chính mình đến từ sự thiếu cẩn trọng khi đạp xe.
Trước khi đi xe đạp, cần phải học rất nhiều thứ
Với kinh nghiệm đạp xe ở nhiều dạng địa hình khác nhau: đường thành phố, đường ở quê, đoạn đường thử thách ở rừng, đèo, núi, anh Phúc chia sẻ: "Khi mình té xe, nếu may mắn chỉ gặp vết thương trầy xước ngoài da dễ lành lại. Nhưng sợ nhất là tai nạn do té ngã xe đạp dẫn đến gãy tay, chấn thương sọ não,...
Nhiều người đầu tư xe đạp để bắt đầu những chuyến thăm thú, nhưng lại thiếu sự tìm hiểu kỹ lưỡng trước khi đạp, coi việc đạp xe như một hình thức thư giãn mà không thực sự tập trung khi lái xe, dẫn đến những tai nạn nghiêm trọng.
Hoặc vì muốn ghi lại hành trình đạp xe của mình mà dùng một tay để chạy xe, một tay cầm điện thoại, máy ảnh sống ảo dẫn đến mất thăng bằng.
Những vấn đề này thực chất có thể được phòng ngừa ngay từ đầu, chỉ nhờ sự quan sát và biết kiến thức".
Anh Phúc chia sẻ: "Học về té ngã an toàn chỉ là bước cuối cùng khi mình đã chuẩn bị kỹ càng mọi vấn đề, nhưng vẫn xảy ra tai nạn.
Rất nhiều tai nạn có thể được phòng tránh qua việc chuẩn bị hằng ngày - ngay từ lúc chúng ta lựa chọn xe đạp, đến khi dắt xe ra khỏi nhà".
Chị Lê Diệp Khanh, trưởng bộ phận marketing của SGMR, chia sẻ: "Ở nước ngoài, tôi thấy những người đạp xe đều có kiến thức đầy đủ, rất ý thức chấp hành luật giao thông.
Trong khi ở nước mình, nhiều người vẫn mang tâm lý mua xe đạp xong chỉ cần ngồi lên và đạp, dẫn đến chuyện thiếu kiến thức và ý thức khi đi ra đường".
Chuẩn bị xe trước khi ra khỏi nhà
Trước khi dẫn xe ra khỏi nhà, người đi xe đạp không chỉ kiểm xem bánh xe có cần bơm căng lên không, mà phải kiểm tra kỹ lưỡng những bộ phận có thể rơi ra trong lúc đạp và gây nguy hiểm nhiều nhất.
Người đi xe đạp có thể quan sát, tự chỉnh lại các bộ phận dễ lỏng sau đây:
1. Bộ ốc ở cổ xe:
Khi đi qua những đoạn đường dằn xóc, bánh xe trước thường nảy lên, làm lỏng dần những phần ốc có ren. Nếu chúng ta không siết những con ốc này lại, có thể 1-2 con ốc bị sút ra khiến cổ xe rơi khỏi xe đạp, dẫn đến việc té ngã.
Ngoài ra lưu ý phần ốc ở chỗ nối pô tang và ghi đông: hai chỗ này cũng thường xuyên dễ lỏng, khá nhạy cảm và chỉ cần lực siết vừa phải.
Người đạp xe nên trang bị bộ lục giác cá nhân, mỗi khi sử dụng vặn nhẹ tay kiểm tra, nếu ốc không lỏng thì giữ nguyên, tiếp tục đạp, nếu ốc lỏng quá thì siết vừa cứng tay.
2- Kiểm tra bàn đạp:
Bình thường với xe đạp mới ráp ở cửa hàng, pedal (bàn đạp) thường được siết rất chắc. Sau thời gian sử dụng bàn đạp có thể bị lỏng ra và bị rớt giữa đường. Bàn đạp rớt giữa đường rất khó gắn vào lại. Mặt khác, nếu đang đạp bị sút bàn đạp có thể khiến người đạp bị té. Đặc biệt khi đang lên dốc cầu mà có xe lớn đi từ phía sau thì rất nguy hiểm.
3. Chỉnh chiều cao yên xe đạp:
Người đạp xe nên thực hiện điều chỉnh chiều cao yên xe cho phù hợp với thể hình của mình. Độ cao yên phù hợp sẽ giúp người đạp xe thoải mái.
Do đó, người đi xe phải cảm nhận xem khung xe đạp có vừa vặn với mình hay không, bằng cách ngồi và đứng ngay khung xe đạp. Một khung xe phù hợp khi khung xe chạm vào vùng bẹn và mình cảm thấy đứng thoải mái.
Leo lên xe ngồi, nhờ một người vịn cho mình, để bàn đạp ở mức thấp nhất thấy cái chân có độ cong nhất định, mình chạy thử một vòng thấy thoải mái thì coi như tạm ổn. Nếu cảm thấy đau khi đạp, thường ở cự ly 5km là cảm nhận được.
Nếu chỉnh yên xe để cho đầu gối cong thì không sao. Nhưng nếu để đầu gối thẳng gây giãn dây chằng và khi đạp thì mình rướn, đặc biệt khi qua đèo qua dốc ảnh hưởng đến phần dây chằng đầu gối.
Những bước kiểm tra xe - Nguồn: HỮU HẠNH
Trong trường hợp không đi gấp thì nên xuống hẳn khỏi yên khi dừng đèn đỏ cho an toàn.
Tùy theo địa hình chạy, nếu đường trống trải nên tăng yên cao nhất có thể. Nên để chiều cao yên bằng chiều dài chân của mình (xét theo khả năng nhón chân của mỗi người). Việc nâng yên cao lên sẽ phát huy hết lực của sải chân, tạo sự thoải mái khi đạp xe.
Khi đạp trong thành phố nên hạ yên thấp để bản thân có thể linh hoạt điều khiển xe. Nếu để yên thấp quá khi đạp lên cầu, đầu gối bị cong không phát huy hết lực đạp, và ở cự ly dài sẽ rất mỏi chân.
Những giao lộ hoặc khi kẹt xe, mọi người thường có tâm lý lười xuống xe hay ngồi với tư thế một chân chống xuống đất, nếu đường ướt trơn trượt có thể dẫn đến té ngã. Khi xuống xe nên dùng cả 2 thắng xe để cố định xe.
Nếu sống ở chung cư, lưu ý kiểm tra lại yên vì có thể có một số người khi đạp thử xe của mình đã tự ý chỉnh lại yên.
Trang bị thêm dụng cụ an toàn khi đạp xe
Lắp thêm đèn xe đạp trước sau và đội mũ bảo hiểm:
Đèn xe đạp có chức năng để người khác thấy mình khi đi đường, và cũng để mình dễ quan sát chướng ngại vật, ổ gà... ở phía trước. Đèn nên có ánh sáng đỏ để người đi đường dễ thấy mình từ xa.
Bật đèn khi đi lúc rạng sáng hay buổi tối. Nên để đèn theo chế độ chớp để tiết kiệm pin và thu hút người đi đường thấy mình.
Bên cạnh đó phải dùng mũ bảo hiểm chuyên dụng cho xe đạp vì khi té ngã, khả năng chấn thương đầu là rất cao.
Mua quần yếm lót bảo hộ để bảo vệ vùng kín, đặc biệt với phụ nữ có thể mua loại quần này xong mặc phần váy, quần dài khác bên ngoài. Nếu có điều kiện nên trang bị áo chuyên dụng, đai chuyên dụng đeo có túi đựng bình nước.
Đã có trường hợp người đạp xe dùng một tay để lấy đồ ăn, chìa khóa xong không cất lại, vừa cầm đồ vừa đạp xe, gây khó khăn khi bóp thắng và khả năng té rất cao.
Mua bao tay, ống tay để bảo vệ làn da trước tia UV, cũng như giảm thiểu vết cứa, đâm khi té.
Chọn bánh xe có độ bám phù hợp để đi đường trơn đất đỏ. Với xe địa hình cần bơm mềm để bánh xe bám lên mặt đường nhiều hơn.
Chú ý chướng ngại vật và thời tiết
Để ý rãnh cống, nắp cống tránh để bánh xe lọt: rãnh cống thường xuất hiện ở đoạn trước những cây cầu, rãnh răng cưa trên cầu. Ngoài ra còn có đường rãnh đường tàu xe lửa.
Cẩn thận khi đạp xe trong trời mưa, nên đi chậm và giữ khoảng cách. Khi trời mưa, thắng không còn ăn vì có nước vô trơn. Đừng cố gắng vượt, đạp bứt tốc lên, vì rủi ro sẽ cao hơn do khi trời mưa mọi người có tâm lý đạp nhanh hơn để tránh mưa.
Đa số vụ tai nạn giao thông xe máy, xe đạp do mọi người trong trạng thái hối hả đi tránh mưa để về nhà, hay bị cản trở tầm nhìn do nước mưa rơi vào mắt, thắng xe không hoạt động tốt như lúc trời khô.
Nên mua áo mưa dành cho việc đi xe đạp, hay áo mưa dùng một lần để nếu có vướng vào chướng ngại vật, áo rách luôn, đảm bảo cho người đạp xe.
Khi đạp xe, nên giữ khoảng cách vừa phải với người đạp bên cạnh, tránh trường hợp hai chiếc ghi đông móc vào nhau khiến hai xe cùng ngã. Đồng thời báo trước chướng ngại vật cho người đi sau.
Trang bị bộ sơ cứu thương khi đạp xe
Là hướng dẫn viên đã có chứng chỉ sơ cấp cứu, anh Huỳnh Nhật Tài lưu ý người tham gia xe đạp nên mua những túi sơ cứu cá nhân riêng. Về phần băng cá nhân, cần mua loại to, mua loại gạc chống dính, có lớp gel bên trong. Ngoài ra, có thể mang thêm kéo cắt quần áo.
Đeo còi trên cổ phòng ngừa lạc rơi vô bụi rừng dùng khi đi một mình, đi về quê, đi chỗ đèo dốc, rừng rậm. Nhiều trường hợp người đi xe đạp té xuống không còn khả năng hét lên để kêu sự trợ giúp, nhưng họ vẫn được cứu do còn hơi để thổi còi.
0 nhận xét:
Post a Comment