Chiều 21-12, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức hội nghị "Định hướng phát triển thể thao thành tích cao đến năm 2030". Tham dự hội nghị có đại diện các bộ, ngành, chuyên gia, nhà quản lý thể thao...
Chỉ có 35% HCV SEA Games 32 ở môn Olympic
Theo báo cáo của Cục Thể dục thể thao, những năm gần đây thể thao Việt Nam đứng đầu SEA Games nhưng thành tích tại Asiad, Olympic thiếu bền vững, chưa đáp ứng được mong đợi của người hâm mộ. Đây là lý do khiến những nhà quản lý, hoạch định chính sách thể thao phải nhìn lại, tìm hướng đi phù hợp cho thể thao nước nhà.
Gần đây nhất tại Asiad 19 diễn ra tháng 9 tại Hàng Châu, Trung Quốc, đoàn thể thao Việt Nam giành được 3 HCV, đứng thứ 6 Đông Nam Á, thứ 21 châu Á. Với kết quả này, đoàn thể thao Việt Nam đứng sau Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore.
Theo GS Lâm Quang Thành (nguyên phó tổng cục trưởng Tổng cục TDTT), chỉ có 35% HCV của đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 32 đến từ môn Olympic. Trong khi đó của thể thao Singapore là hơn 70%.
Ở đấu trường Olympic, tại Olympic London 2012 thể thao Việt Nam đã có 18 VĐV vượt qua vòng loại và giành được 1 HCĐ. Tại Olympic Brazil 2016, thể thao Việt Nam có 23 VĐV vượt qua vòng loại, giành 1 HCV, 1 HCB. Vậy nhưng đến Olympic Tokyo 2020, Việt Nam lại chỉ có 18 VĐV vượt qua vòng loại và không giành được bất kỳ huy chương nào.
Ngành thể thao cho rằng có 3 nguyên nhân khiến thành tích của thể thao Việt Nam tốt ở SEA Games nhưng kém ở Asiad, Olympic là: Sự cạnh tranh giữa các nền thể thao ngày càng quyết liệt trên mọi đấu trường; Đầu tư cho thể thao thành tích cao còn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu giành thành tích cao ở cấp độ châu Á và thế giới; Thể lực và tầm vóc người Việt Nam thua kém.
Tập trung mũi nhọn cho Asiad, Olympic
Theo chuyên gia Nguyễn Hồng Minh (nguyên trưởng đoàn thể thao Việt Nam), nguồn lực hạn chế, lại không xác định mục tiêu rõ ràng khiến thể thao Việt Nam tụt hậu ở Asiad, Olympic. Cần xác định rõ tập trung cho SEA Games, Asiad hay Olympic. Khi xác định rõ thì mới biết hướng đầu tư. Những năm qua thể thao Việt Nam đã quá coi trọng SEA Games mà chưa tập trung cho Asiad, Olympic.
Ngân sách cấp cho thể thao thành tích cao năm 2023 là 710 tỉ đồng. Ngành thể thao hy vọng sẽ được nhà nước đầu tư từ 800- 850 tỉ đồng/năm cho thể thao thành tích cao trong giai đoạn 2024-2026. Trong giai đoạn 2026-2030 cần 850-900 tỉ đồng/năm. Trong đó, một phần số tiền này sẽ dùng để đầu tư trọng điểm cho khoảng 30 VĐV xuất sắc có khả năng tranh chấp HCV Asiad và chuẩn Olympic ở 5-6 môn.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đề nghị Cục Thể dục thể thao phải dám nghe lời nói thẳng, nhìn vào thiếu sót của mình. Ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý tại hội nghị rất đáng quý với thể thao Việt Nam.
Ông Nguyễn Văn Hùng khẳng định, ngay từ khi mới nhận chức, chỉ đạo của ông đã là chuẩn bị tốt cho SEA Games, coi SEA Games là bàn đạp để vươn lên ở đấu trường danh giá Asiad, Olympic. Vậy nhưng cách làm của ngành thể thao những năm qua thiếu tập trung, dẫn đến khó khăn hiện nay. Ngay sau hội nghị, ông Hùng đề nghị Cục Thể dục thể thao xây dựng đề án, tập trung nâng thành tích của thể thao Việt Nam ở đấu trường Asiad, Olympic.
Ông Hùng nói: "Tôi đề nghị nghiêm cấm việc sử dụng HLV không có thành tích kéo dài, có biểu hiện của sự quen biết. Một bữa cơm cho VĐV còn không làm được thì nói gì làm thể thao. Vừa rồi chúng ta đã xử lý rất nghiêm túc việc này và là bài học cho toàn ngành. Đây là lúc đòi hỏi sự năng động, sáng tạo của cán bộ ngành thể thao, đừng chăm chăm chờ vào ngân sách nhà nước".
0 nhận xét:
Post a Comment