Họ là những người làm việc văn phòng, là những người bận rộn với công việc thường ngày. Theo chân phong trào tập luyện thể thao ngày càng phát triển, họ đã cố gắng tập luyện thể dục thể thao một cách lành mạnh. Nhưng trong quá trình tập luyện, họ đã bị những chấn thương quật ngã. Vì tập luyện thể thao không phải là điều mà chỉ cần đến ý chí, nghị lực là có thể vượt qua tất cả. Và để có thể vượt qua, ai cũng cần có hiểu biết về chấn thương thể thao - lĩnh vực đang ngày được quan tâm với nền y học Việt Nam.
Nói đến những chấn thương thể thao, giới VĐV vẫn là những người quen thuộc nhất. Nhiều ca chấn thương của các VĐV đỉnh cao cũng trở thành bài học cho những người chơi thể thao nói chung.
Từng chứng kiến nhiều thăng trầm của đời VĐV, có hai khoảnh khắc chấn thương khiến chúng tôi không thể nào quên. Đó là khoảnh khắc cầu thủ Trần Anh Khoa (CLB Đà Nẵng) đổ quỵ sau cú đạp thô bạo tại V-League 2015 và những giọt nước mắt của "nữ hoàng tốc độ" Lê Tú Chinh khi cô lỡ hẹn với SEA Games 31 năm 2022.
Tiếc cho Anh Khoa
Ca chấn thương rợn người của Anh Khoa khiến anh phải giải nghệ đến nay vẫn còn được lưu giữ lại qua các video trên mạng. Đó là một chấn thương không thể nào phòng tránh khi bị đối thủ phạm lỗi thô bạo. Dù bác sĩ Tan Jee Lim (Singapore) thực hiện ca phẫu thuật thành công nhưng chỉ có thể giúp Anh Khoa đi đứng bình thường.
Bác sĩ Tan Jee Lim từng chia sẻ về ca chấn thương này: "Ca phẫu thuật kéo dài sáu tiếng vì độ phức tạp của nó. Một ca phẫu thuật dây chằng chéo trước bình thường của tôi chỉ kéo dài chưa tới một tiếng. Vì vậy, bạn có thể hình dung ra độ phức tạp ca phẫu thuật mà Anh Khoa phải trải qua khi cậu ấy bị chấn thương bốn dây chằng trong gối và các cơ chính...".
Nhưng vị chuyên gia xương khớp người Singapore cũng khen ngợi tinh thần cũng như sức khỏe của Anh Khoa. "Cậu ấy là một người có sinh hoạt lành mạnh. Hầu hết mọi chỉ số cơ thể đều tốt và cũng rất nỗ lực sau ca phẫu thuật. Nếu không có ca chấn thương này, với đôi chân đó, Anh Khoa còn có thể thi đấu tốt nhiều năm nữa. Vì vậy, điều duy nhất giúp phòng tránh những ca chấn thương nặng chỉ có thể là ý thức của người chơi", bác sĩ Tan nói.
Một yếu tố quan trọng khác cũng được bác sĩ Tan nhấn mạnh nhiều lần với truyền thông trước thời điểm mổ cho Anh Khoa là quá trình hồi phục. Phẫu thuật xong, mỗi tháng một lần Anh Khoa phải sang Singapore để bác sĩ Tan xem xét quá trình vật lý trị liệu. Dù chi phí ca mổ đã được đền bù, CLB Đà Nẵng cũng hỗ trợ Anh Khoa hết mình trong nhiều khoản phí tổn, cầu thủ trẻ này vẫn phải tự mình trang trải nhiều khoản phát sinh ở Singapore. Kết quả là sau nửa năm, Anh Khoa ngừng sang Singapore. Anh quyết định tập ở nhà để giảm nhẹ chi phí cho mình cũng như CLB Đà Nẵng.
Trước khi phẫu thuật, bác sĩ Tan thừa nhận ca mổ thành công chỉ giúp Anh Khoa lấy lại 50% cơ hội chơi bóng. Và với một lộ trình hồi phục không toàn vẹn như thế, Anh Khoa không thể trở lại cuộc đời cầu thủ chuyên nghiệp. Anh được trao cơ hội làm HLV đội trẻ ở CLB Đà Nẵng và hài lòng với một cuộc sống bình dị bên cạnh niềm đam mê đá bóng.
Một yếu tố quan trọng khác cũng được bác sĩ Tan nhấn mạnh nhiều lần với truyền thông trước thời điểm mổ cho Anh Khoa là quá trình hồi phục. Phẫu thuật xong, mỗi tháng một lần Anh Khoa phải sang Singapore để bác sĩ Tan xem xét quá trình vật lý trị liệu. Dù chi phí ca mổ đã được đền bù, CLB Đà Nẵng cũng hỗ trợ Anh Khoa hết mình trong nhiều khoản phí tổn, cầu thủ trẻ này vẫn phải tự mình trang trải nhiều khoản phát sinh ở Singapore. Kết quả là sau nửa năm, Anh Khoa ngừng sang Singapore. Anh quyết định tập ở nhà để giảm nhẹ chi phí cho mình cũng như CLB Đà Nẵng.
Trước khi phẫu thuật, bác sĩ Tan thừa nhận ca mổ thành công chỉ giúp Anh Khoa lấy lại 50% cơ hội chơi bóng. Và với một lộ trình hồi phục không toàn vẹn như thế, Anh Khoa không thể trở lại cuộc đời cầu thủ chuyên nghiệp. Anh được trao cơ hội làm HLV đội trẻ ở CLB Đà Nẵng và hài lòng với một cuộc sống bình dị bên cạnh niềm đam mê đá bóng.
May mắn của Tú Chinh
So với Anh Khoa, ca chấn thương của Tú Chinh khác hoàn toàn. Cuối tháng 4-2022, Tú Chinh cảm thấy đau ở chân phải. Sau một thời gian ngắn điều trị, các bác sĩ Bệnh viện Quân y 175 chẩn đoán Tú Chinh bị tổn thương gối phải phức tạp, rách phức tạp sừng sau sụn chêm ngoài, tổn thương dây chằng chéo trước, dây chằng bên trong, lớp sụn mâm chày bên ngoài... Tất cả đều là những chấn thương đến từ việc tập luyện quá tải và không được điều trị đúng cách trong thời gian dài.
Trước ca phẫu thuật, bác sĩ Bùi Hồng Thiên Khanh (trưởng khoa chấn thương - chỉnh hình Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM), người được Bệnh viện 175 mời về để cùng tham gia kíp mổ, nói với chúng tôi: "Việc Tú Chinh có thể trở lại thi đấu đỉnh cao hay không còn phải tùy y học tiến bộ đến mức nào. Ngoài ca phẫu thuật, các yếu tố vật lý trị liệu và cơ địa của VĐV cũng rất quan trọng".
Đó thực sự là một thừa nhận "lạnh người". Nhưng may mắn cho Tú Chinh, chấn thương của cô nhìn chung nhẹ hơn Anh Khoa. Và Tú Chinh được Bệnh viện 175 đài thọ toàn bộ phí tổn ca mổ cũng như quá trình vật lý trị liệu sau đó. Sau khi phẫu thuật thành công, hằng ngày Tú Chinh được HLV Nguyễn Thị Thanh Hương chở đến Bệnh viện 175 tập hồi phục. Sau một năm miệt mài, cuối cùng "nữ hoàng tốc độ" cũng có thể trở lại đường đua. Dù không còn duy trì phong độ, cô vẫn góp công mang về chiếc HCB nội dung tiếp sức cho đội điền kinh Việt Nam ở SEA Games 32.
Và như nhận định của bác sĩ Bùi Hồng Thiên Khanh, hành trình trở lại phi thường của Tú Chinh cho thấy nghị lực đáng nể của cô gái người Sài Gòn, cũng như trình độ y học thể thao của Việt Nam đã có bước tiến bộ đáng kể.
Đời VĐV hầu hết ai cũng giàu nghị lực và ai cũng từng dính ít nhất 1-2 chấn thương nặng. Nhưng có rất nhiều yếu tố quyết định khả năng hồi phục của họ. Sự hỗ trợ xoay quanh lĩnh vực y học thể thao chính là điều kiện tiên quyết.
Kỳ 2: Ngành y học thể thao của Việt Nam đang ở đâu?
Đón xem chuyên mục Khỏe 360
Phong trào tập luyện thể dục thể thao của người Việt ngày càng phát triển. Và song hành cùng đó là nhu cầu tìm hiểu về chế độ tập luyện, chế độ dinh dưỡng, cách phòng tránh chấn thương cũng như cách hồi phục sau những ca chấn thương nghiêm trọng.
Để đáp ứng nhu cầu đó của độc giả, từ ngày 1-1-2024 Tuổi Trẻ đã thành lập mục Khỏe 360 với mục tiêu cung cấp những thông tin cần thiết cho việc tập luyện và cả những câu chuyện thú vị liên quan đến phong trào thể thao, những hành trình vượt khó phi thường…
Cộng tác cùng Tuổi Trẻ là đội ngũ chuyên gia giàu uy tín từ các bệnh viện, trung tâm thể thao, các trường đại học như: TS.BS Tăng Hà Nam Anh (Bệnh viện Tâm Anh), TS.BS Đinh Huỳnh Linh (Viện Tim mạch quốc gia Việt Nam), BS CKII Võ Châu Duyên, BS Phạm Thế Hiển, BS Hoàng Văn Triều (Bệnh viện Nguyễn Tri Phương), tiến sĩ ngành hồi phục thể thao Nguyễn Ngọc Anh Tuấn, chuyên gia Phạm Thanh Nghị - trưởng phòng khoa học và y học thể thao (thuộc Trung tâm Huấn luyện và thi đấu TDTT TP.HCM), cựu VĐV nhảy cao Nguyễn Thị Ngọc Tâm, giảng viên Vũ Đình Hoàng Tùng…
Độc giả có thể tìm đọc các bài viết xoay quanh những đề tài này trên trang Thể thao online của Tuổi Trẻ hoặc truy cập vào đường link: https://ift.tt/QhYXLwu
0 nhận xét:
Post a Comment